Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Bạn có thể thấy khó ăn nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.
Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp (còn gọi là thịt trâu xông khói) rất đặc biệt. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.
Đặc biệt, món ăn phát huy tác dụng bổ sung dưỡng chất khi đi rừng dài ngày và mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn. Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách miền xuôi rất ưa thích.
Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.
Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, nướng, hầm hoặc nấu thành nhiều món khác nhau, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.
Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẳm chéo làm mồi nhậu. Người dân vùng cao vẫn thường trữ một ít thịt trâu gác bếp, dùng khi có khách quý đến chơi nhà sẽ đem ra mời.
Họ thường luộc qua với nước để thịt mềm và đảm bảo chín hết, sau đó xé từng thớ nhỏ bày đĩa. Đặc biệt, những gia vị như tiêu, ớt, gừng, mắc khén do hun khói lâu ngày nên vẫn còn bám chặt trên từng thớ thịt hồng, trông qua đã thấy ngon mắt.
Thú vị hơn cả là cảm giác khi thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.
Những người miền xuôi lần đầu nếm thử hẳn sẽ phải lắc đầu, nhăn mặt với vị cay của gia vị và độ mặn, hắc của món ăn. Tuy nhiên, nếu đã phải lòng hương vị đậm chất núi rừng ấy, bạn sẽ muốn quay lại để thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Nếu có dịp đến các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai… du khách đừng quên thưởng thức và mua một ít đặc sản miền sơn cước về làm quà.